Hiện Ladofoods sản xuất và có sản lượng tiêu thụ đạt 5 triệu lít/năm. Vang từ nhà máy của Ladofoods phủ 100% thị trường trên 63 tỉnh thành với hơn 30.000 điểm bán toàn quốc, đồng thời xuất khẩu ra nhiều thị trường như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore….
Từ vùng trắng của vang, để đạt được năng lực cung ứng như hiện tại, Ladofoods đã đánh đổi nhiều năm công sức cũng như nguồn vốn để vượt qua khó khăn trong việc phát triển bền vững vùng nguyên liệu nho.
Giai đoạn đầu khi Ladofoods bắt đầu phát triển vùng nguyên liệu từ những năm cuối thập kỷ 1990, các giống nho vang trong nước không đạt chất lượng theo chuẩn quốc tế, chưa cho sản lượng đủ lớn để phát triển nhiều chủng loại vang.
Năm 1998, Ladofoods đã hợp tác cùng Viện nghiên cứu Cây bông và Cây có sợi Nha Hố – Ninh Thuận, trại giống nho Vĩnh Hảo để chọn lọc trong hơn 100 giống đang lưu giữ ra một số giống tiềm năng để khảo nghiệm. Đó là cả một hành trình kiên trì, đối mặt nhiều lần thất bại của các cán bộ nhà máy.
Không thành công trong việc thử nghiệm các giống trong nước, Ladofoods quyết tâm tìm các giống ở quốc gia hàng đầu về vang như Pháp, Italy. Giai đoạn 2005-2006, Ladofoods tiến hành đặt hai máy bay chuyên chở cây giống nho vang từ Pháp và Italy về Việt Nam. Tuy nhiên, việc thông quan gặp nhiều khó khăn do chưa từng có tiền lệ nhập khẩu giống nước ngoài về Việt Nam.
Canh cánh nỗi lo cây nho đã “vất vả” bay từ trời Âu về đây có thể hỏng và mất trắng, các cán bộ Ladofoods thời đó đã đôn đáo liên hệ, giải thích, diện kiến cơ quan liên quan để chia sẻ câu chuyện tâm huyết của mình. Tin vui báo về ngay sau đó là không những chấp thuận, lãnh đạo bộ và sở còn ủng hộ hành động của Ladofoods.
Nhưng những “chiến binh nho ngoại” cũng không trụ được ở Đà Lạt, nơi Ladofoods đặt nhà máy. Hai vụ mùa nho mất trắng mặc cho các cán bộ nơi đây đã đặt bao hy vọng và sự chăm sóc.
Nguyên nhân chính là do khí hậu Đà Lạt mưa nhiều, độ ẩm cao, trái nho nhập không thể ra được quả đủ chất lượng và sản lượng mong muốn. Cả vụ mùa nho bị nhạt và thối quả rất nhiều.
Buồn nhưng không lùi bước, nhận thức được vấn đề nằm ở thổ nhưỡng và khí hậu, nhà máy đã mời các chuyên gia châu Âu về Việt Nam để nghiên cứu rà soát từng khu vực tại Đà Lạt và mở rộng ra các tỉnh lân cận để tìm mảnh đất phù hợp.
Đầu những năm 2010, các chuyên gia đã phát hiện sâu trong lớp đá núi ở Ninh Sơn – Ninh Thuận có thổ nhưỡng phù hợp để trồng nho vang. Đây cũng là vùng đất có khí hậu khô, ít mưa… hội tụ điều kiện thuận lợi giúp trái nho phát triển tốt, đạt tiêu chuẩn để phát triển vang.
Năm 2012, Ladofoods bắt đầu phát triển vùng nguyên liệu trồng nho để thử nghiệm, sau đó mở rộng diện tích từ 2013. Phương thức trồng nho trên giàn không phù hợp bởi thân cây phải nuôi lá và giàn nhiều, dinh dưỡng không vào trái nho, lượng đường trong nho không đủ, sản lượng trái cũng không đảm bảo cho những mẻ vang lớn và khiến cho sâu bệnh dễ phát triển gây ảnh hưởng tới chất lượng của trái nho và hỏng cây.
Ladofoods một lần nữa mời các chuyên gia châu Âu cùng chuyên gia kỹ thuật cây trồng Việt Nam vào cuộc. Tại đây, họ đã điều chỉnh lại toàn bộ phương thức canh tác từ trồng theo giàn sang trồng nho cọc. Tập thể cũng đầu tư cả trang thiết bị hiện đại như máy đo lượng mưa, dự báo thời tiết và các máy cắt tỉa, xới đất, chăm sóc cây trồng đa năng. Từ đó, cây nho vang được chăm sóc kỹ lưỡng hơn, dồn dinh dưỡng vào trái nho, không bị sâu bệnh ảnh hưởng và cho ra các trái cân bằng về độ dày vỏ, đủ độ ngọt của ruột và lượng hạt để ủ ra những chai vang chất lượng cao.
Trải qua hơn hai thập kỷ đi tìm lời giải cho bài toán phát triển vùng nguyên liệu vang bền vững, Ladofoods không chỉ có trang trại nho phát triển, mà còn đào tạo nghề cho bà con nông dân địa phương tại Ninh Thuận, tạo công ăn việc làm và nguồn đầu vào ổn định.
Nho được chuyển về Đà Lạt đều đặn mỗi năm hai vụ, nhà máy đi vào hoạt động tích cực, những dòng vang trắng, vang đỏ ra đời với quy trình khép kín, chặt chẽ và nghiêm ngặt đã theo chân những cán bộ thị trường tới mọi nẻo đường, chinh phục người yêu vang khắp nơi dưới những cái tên sản phẩm uy tín như Chateau Dalat, Vang ĐàLạt…